Giới Thiệu Về Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

 

Vũng Tàu là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ở vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lỵ Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển đến thành phố Bà Rịa. Vũng Tàu là một thành phố ven biển, một địa điểm du lịch của miền Nam Việt Nam. Vũng Tàu là khu vực hậu cần của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của cả Nam bộ, được công nhận vào ngày 23/04/2013.

 

Vị trí

 

Vũng Tàu tiền thân là đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là một bán đảo giáp Bà Rịa và huyện Long Điền qua sông Cỏ May, nằm trên bán đảo cùng tên và có cả đảo Long Sơn và đảo Gò Găng, cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về phía Đông Nam theo đường bộ và 80 km theo đường chim bay, đây là cửa ngõ quan trọng của vùng Đông nam bộ ra biển. Nếu nhìn theo chiều Bắc Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S (bản đồ Việt Nam) và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất có chiều dài khoảng 14 km và chiều rộng khoảng 6 km.

 

Địa hình

 

Vũng Tàu là một thành phố biển có 42 km bờ biển bao quanh, có núi Lớn (núi Tương Kỳ) cao 245 m và núi Nhỏ (núi Tao Phùng) cao 170 m. Trên núi Nhỏ có ngọn hải đăng cao 18 m, chiếu xa tới 30 hải lý và có tuổi đời trên 100 năm, được coi là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam. Trên núi lớn có Hồ Mây là một hồ nước ngọt lớn và rừng nguyên sinh.Thành phố được bao bọc bởi biển, các cánh rừng nguyên sinh, các ngọn núi cao, ngoài ra còn có sông và nhiều hồ nước lớn giúp khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ ôn hòa, trong thành phố có rất nhiều cây xanh và hoa được trồng ở mọi nơi.

 

Lịch sử

 

Bờ biển Vũng Tàu nhìn từ Bạch Dinh.

Trước kia vùng đất này là bãi lầy, nơi thuyền buôn nước ngoài thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nhakhi đi qua mũi đất này đã lấy tên Thánh Giacobê đặt cho nó, do đó người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (mũi đất mang tên Thánh Giắc), tiếng Việt là Cap Xanh Giắc. Người Việt theo đó gọi là Cấp (gốc tiếng Pháp: Cap) hoặc Ô Cấp (gốc tiếng Pháp: au Cap). Hiện nay mũi đất cực đông của Vũng Tàu có tên gọi là "mũi Nghinh Phong".

Vũng Tàu cũng từng có tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam. Chữ Tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn, tức Ba Thuyền.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì "Thuyền Úc", tục danh Vũng Tàu... phía bắc ôm cửa Tắc Khái (cửa sông Dinh), phía nam đỡ núi Thát Sơn để che cửa Cần Giờ. Mặt vụng trông về hướng tây, rộng lớn mông mênh để thu nạp các dòng nước sông đầm chảy về biển mà làm nơi êm đềm cho thuyền bè ẩn đậu."

Vũng Tàu từng thuộc trấn, sau là tỉnh Biên Hòa thời nhà Nguyễn. Thời vua Gia Long (1761-1820), khi nạn hải tặc Mã Lai hoành hành tại vùng biển này là mối đe dọa cho các thương nhân vùng Gia Định, vua đã gửi ba đội quân đến dẹp loạn và cho phép ba tướng cầm đầu cùng quân lính ở lại mở đất. Theo sắc của vua Minh Mạng năm 1822, chính 3 ông đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền thuộc ba đội binh (Tam Thoàn) đã thành lập ba làng đầu tiên: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam.

Ngày 10 tháng 2 năm 1859 tức mồng 8 Tết Kỷ Mùi, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa lần đầu tiên những khẩu súng thần công đặt ở pháo đài Phước Thắng, cao 30 m và cách bờ biển Bãi Trước gần 100 m, bắn vào đoàn chiến thuyền của liên quân Pháp-Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouilly chỉ huy trên đường vào xâm lược Nam Kỳ, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp ở Nam Kỳ. Trong trận này Thống chế Trần Đồng, Tổng chỉ huy lực lượng thủy lục quân nhà Nguyễn đã hy sinh.

  • Năm 1876 Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa, nằm trong khu vực hành chánh (circonscription administrative) Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của thực dân Pháp.
  • Ngày 1 tháng 5 năm 1895 Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques. Đến ngày 20 tháng 1 năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa, đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 14 tháng 1 năm 1899 thành phố tự trị Cap Saint Jacques thành lập tổng Vũng Tàu gồm 7 xã.
  • Năm 1901, dân số Vũng Tàu là 5.690 người, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.
  • Ngày 1 tháng 4 năm 1905 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Cap Saint Jacques không còn là thành phố tự trị và trở thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa.
  • Năm 1929 Cap Saint Jacques trở thành tỉnh riêng, rồi đến năm 1935 tỉnh Cap Saint Jacques lại hạ cấp xuống thành thành phố (commune). Năm 1947 tái lập tỉnh với tên Vũng Tàu gồm cả quận Cần Giờ của tỉnh Gia Định nhập vào, nhưng đến năm 1952 lại giải thể tỉnh, hạ thành thị xã. Ngày 22/10/1956 giải thể thị xã Vũng Tàu, chuyển thành quận thuộc tỉnh Phước Tuy. Đến 08/09/1964 thành lập thị xã Vũng Tàu trực thuộc chính quyền trung ương cho đến 30/04/1975.
  • Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, gồm 5 phường: Châu Thành, Phước Thắng, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam và xã Long Sơn. Ngày 14 tháng 5 năm 1986, giải thể 5 phường hiện hữu, thay thế bằng 11 phường mang số thứ tự từ 1 đến 11. Tháng 8 năm 1991, Vũng Tàu trở thành thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới thành lập. Ngày 16 tháng 9 năm 1999, Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại 2. Ngày 22 tháng 10 năm 2002, thành lập phường 12. Ngày 9 tháng 12 năm 2003, thành lập phường Thắng Nhất.Ngày 24 tháng 12 năm 2004, thành lập 3 phường: Thắng Tam, Nguyễn An Ninh và Rạch Dừa thuộc thành phố Vũng Tàu. Ngày 23 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  •  

Diện tích - dân số

 

  • Diện tích 140,1 km²
  • Dân số 541.000 người(năm 2013). Theo thống kê thì tính đến tháng 9/2013 thành phố có 85.341 hộ với tổng số 472.527 nhân khẩu được quản lý thông qua hệ thống phần mềm quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của Công an Thành phố. Nếu tính cả những người đang làm việc và sinh sống lâu năm nhưng không có hộ khẩu tại Vũng Tàu thì dân số thực tế lớn hơn rất nhiều.

 

Các đơn vị hành chính

 

Vũng Tàu gồm 16 phường, và 1 xã: Phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Tam, Rạch Dừa, Nguyễn An Ninh, và xã đảo Long Sơn.

Diện tích và dân số của các đơn vị hành chính (năm 2009)

  • Phường 1: diện tích: 1,37  km², dân số: 16.580 người
  • Phường 2: diện tích: 2,93  km², dân số: 14.380 người
  • Phường 3: diện tích: 0,9  km², dân số: 20.107 người
  • Phường 4: diện tích: 0,82  km², dân số: 21.630 người
  • Phường 5: diện tích: 3,9  km², dân số: 17.670 người
  • Phường 6: diện tích: 2,7  km², dân số: 22.098 người
  • Phường 7: diện tích: 1,63  km², dân số: 32.792 người
  • Phường 8: diện tích: 2,46  km², dân số: 22.340 người
  • Phường 9: diện tích: 3,22  km², dân số: 14.567 người
  • Phường 10: diện tích: 3,7  km², dân số: 18.734 người
  • Phường 11: diện tích: 10,7  km², dân số: 19.830 người
  • Phường 12: diện tích: 34,3  km², dân số: 23.708 người
  • Phường Thắng Nhất: diện tích: 4,4  km², dân số: 27.543 người
  • Phường Thắng Tam: diện tích: 2,5  km², dân số: 19.675 người
  • Phường Nguyễn An Ninh: diện tích: 3,9  km², dân số: 12.034 người
  • Phường Rạch Dừa : diện tích: 3,2  km², dân số: 21.785 người
  • Xã đảo Long Sơn : diện tích: 57  km², dân số: 15.400 người

 

Kinh tế

 

Một giàn khoan dầu khí trên khu vực mỏ Bạch Hổ ngoài khơi Vũng Tàu.

Vũng Tàu có thế mạnh về phát triển dầu khí,Cảng biển và du lịch.

  • Nằm trên thềm bờ biển của một khu vực giàu dầu khí và khí đốt, Vũng Tàu hay cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh xuất khẩu dầu khí lớn nhất Việt Nam, nơi có trụ sở của Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro). Nơi duy nhất ở Việt Nam có khu nhà tập thể dành cho các chuyên gia Nga làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu khí sinh sống cùng gia đình và trường học cho con em họ. Hiện có khoảng trên 3000 người Nga đang sinh sống và làm việc tại đây. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Đông xuyên (160 Ha), Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (1.250 Ha) hiện đang triển khai dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn và tổ hợp hóa dầu Miền nam. Ngoài ra thành phố còn có hơn 10 cảng biển và cảng sông phục vụ ngành dầu khí, quốc phòng, đóng tàu và xuất nhập khẩu, hiện thành phố cũng đang triển khai dự án cảng trung chuyển Container quốc tế Sao Mai - Bến Đình.
  • Nghề thủ công sản xuất hàng mỹ nghệ của Vũng Tàu cũng phát triển. Những đồ trang sức được làm công phu từ các sản phẩm như vỏ ốc, đồi mồi...
  • Là trung tâm hành chính- chính trị- kinh tế- văn hóa tỉnh BR-VT, Vũng Tàu được nhiều người biết đến không chỉ với hình ảnh một thành phố biển tươi đẹp, quyến rũ, mà còn là một trong những địa phương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Năm năm qua (2005-2010), đã có thêm 51 dự án nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký 6,806 tỷ USD và trong 3 năm 2007- 2009, có 11 dự án trong nước đã được cấp phép với vốn đăng ký 12.457 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách tỉnh tăng cường, cùng một phần ngân sách của nguồn vượt thu, thành phố đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở. Nhiều công trình trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế, trụ sở văn phòng làm việc và các công trình phúc lợi khác hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển, cải thiện đời sống nhân dân.
  • Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông chính của TP.Vũng Tàu đã bê tông nhựa hóa. Trong đó, tuyến đường Hạ Long- Quang Trung- Trần Phú chạy dọc Bãi Trước được Bộ Giao thông Vận tải công nhận “đường đẹp Việt Nam”. Hơn 90% ngõ hẽm được xây sửa, nâng cấp khang trang bằng phương thức “nhà nước, nhân dân cùng làm”. Ngay xã Long Sơn, hiện cũng không còn là xã đảo biệt lập, bởi hệ thống cầu đường khang trang không chỉ nối liền đảo với các khu dân cư, mà đã mở hướng phát triển cho vùng đảo đầy tiềm năng, hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung. Các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng với các đô thị khác cũng đang trong quá trình đầu tư và chuẩn bị đầu tư như mở rộng quốc lộ 51 (Vũng Tàu - Biên Hòa) rộng 8 làn xe dài 90 km, hoàn thành năm 2012, xây mới tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam, dự án đường sắt cao tốc Vũng Tàu - Biên Hòa - Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, xây dựng sân bay Quốc tế Gò Găng trên đảo Gò Găng để di dời sân bay Vũng Tàu... các dự án hạ tầng giao thông này khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn.
Một góc thành phố Vùng Tàu nhìn từ núi Tao Phùng.
  • 20 năm qua (1/11/1991 – 1/11/2011) với tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân là 18%/năm, TP. Vũng Tàu đã không ngừng vươn lên về mọi mặt để xứng đáng với vai trò là một đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Phát triển kinh tế tại TP. Vũng Tàu trong những năm qua không chỉ đạt được sự tăng trưởng cao mà còn bảo đảm những yêu cầu của sự phát triển bền vững, theo đúng định hướng, cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Tổng sản phẩm nội địa (không tính dầu khí) tăng bình quân hàng năm 22,6%. Thu nhập bình quân đầu người (không tính dầu khí) đạt 6.060 USD/người/năm. Doanh thu ngành dịch vụ năm 2011 là 9.000 tỷ đồng, gấp 170 lần so với năm 1992. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch đến năm 2011 ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 100 lần so với năm 1992. Tổng thu ngân sách năm 2011 ước đạt 2.500 tỷ đồng, gấp 179 lần so với thời điểm mới thành lập thành phố. Đời sống nhân dân được nâng cao, không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,03%.
  • Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng dịch vụ - công nghiệp – chế biến trong đó dịch vụ – du lịch chiếm 71,01%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: 14,01%; hải sản: 14,98%.Phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 7.690 USD. Trong đó, chú trọng tăng vốn đầu tư cho ngành thương mại (tăng bình quân 29%/năm), doanh thu tăng bình quân 35%/năm. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 Khu công nghiệp tập trung là: KCN Đông Xuyên & KCN Dầu khí Long Sơn.
  • Ngoài ra, dự án Trung tâm hành chính TP.Vũng Tàu cũng đang được khẩn trương tiến hành để chào mừng 20 năm thành lập tỉnh và 20 năm thành lập TP.Vũng Tàu (1991 - 2011). Hiện nay, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án nhanh chóng triển khai việc thỏa thuận địa điểm xây dựng dự án, lập quy hoạch và thiết kế, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi tuyển quy hoạch và thiết kế công trình, lập dự án đầu tư xây dựng, tổ chức đấu thầu. Việc xây dựng Khu trung tâm hành chính TP.Vũng Tàu mới tại phường 11 nhằm đáp ứng được quy mô một Trung tâm hành chính của đô thị loại I.

 

Lễ hội văn hóa

 

Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày (10 - 11 - 12 tháng 2 âm lịch), suốt cả ngày cả đêm.

  • Lễ hội Nghinh Ông

Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.

  • Lễ hội Đình thần Thắng Tam

Tổ chức 4 ngày, từ ngày 17 đến 20 tháng 2 âm lịch.

  • Đại lễ kính Đức Maria, mẹ Thiên Chúa.

Được tổ chức tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu vào ngày 1 tháng 1 dương lịch hàng năm nhằm mừng kính Đức Maria, mẹ Thiên Chúa bổn mạng của Giáo phận Bà Rịa do chính Đức Giám mục Giáo phận chủ sự cùng với các linh mục trong giáo phận với sự tham dự của hàng vạn tu sĩ nam nữ cũng như tín hữu khắp mọi nơi.

 

Danh lam thắng cảnh - Du lịch

 
Một con đường lớn ven biển ở Bãi Trước

Các địa điểm tham quan

 

  • Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu(Trần Phú, Phường 5).
  • Tượng Chúa Ki Tô Vua (Hạ Long, Phường 2).
  • Nhà thờ Vũng Tàu (Thống Nhất, Phường 1).
  • Đan viện Xito Thánh mẫu Phước Hải (Trần Phú,Phường 5).
  • Đình Thắng Tam (Hoàng Hoa Thám, Phường 2).
  • Thích Ca Phật Đài (Trần Phú, Phường 5).
  • Linh sơn cổ tự (Hoàng Hoa Thám, Phường 2).
  • Niết Bàn Tịnh xá (Hạ Long, Phường 2).
  • Bạch Dinh (Trần Phú, Phường 1).
  • Nhà Lớn Long Sơn (Xã Long sơn).
  • Đèn Hải Đăng (Núi Nhỏ, Phường 2).
  • Mũi nghinh Phong (Hạ Long, Phường 2).
  • Đền thờ Liệt sĩ TP. Vũng Tàu.
  • Thánh Thất Cao Đài Vũng Tàu (Phường 4)
  • Pháo đài cổ Phước Thắng (Núi Lớn)
  • Hồ Mây trên đỉnh Núi Lớn

 

Các khu văn hóa, vui chơi, giải trí

 

Nhà Lớn Long Sơn
  • Công viên bãi Trước.
  • Quảng trường Trưng Vương.
  • Công viên nước Vũng Tàu.
  • Công viên Trần Hưng Đạo.
  • Cung văn hóa Thiếu nhi.
  • Nhà văn hóa Thanh niên.
  • Nhà văn hóa lao động Vietsovpetro.
  • Nhà thi đấu đa năng.
  • Sân vận động Lam Sơn.
  • Imperial Plaza Vũng Tàu

 

Bãi biển

 

Bãi Sau Vũng Tàu nhìn từ trên núi Nhỏ.

Vũng Tàu có những bãi biển lý tưởng để nghỉ mát mà thiên nhiên đã ban tặng như:

  • Bãi Sau: Nằm phía Nam Vũng Tàu, còn có tên là Thùy Vân hay còn có tên là Thùy Dương, chạy dài gần 10 km. Đây là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, bãi cát dài phẳng.
  • Bãi Trước: Còn gọi là bãi Tầm Dương do có thể ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều, Bãi Trước có những hàng dừa chạy dọc theo bờ biển và giống như một vịnh nhỏ ít sóng và có hình vòng cung khá đẹp;
  • Bãi Dâu: Còn gọi là bãi Phương Thảo, dài 3 km, thơ mộng và tĩnh mịch;
  • Bãi Dứa: Còn gọi là bãi Hương Phong, một bãi tắm nhỏ nhưng khá xinh xắn.
  • Bãi tắm Long Hải.

 

Chùa Thích Ca Phật Đài

 

Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất của Vũng Tàu tọa lạc trên đường Trần Phú. Cổng chùa được xây dựng công phu bằng xi măng cốt thép, trên bằng đá hoa khắc 4 chữ "Thích ca Phật đài", trong Chùa có Bảo Tháp, trong tháp có ngọc Xá Lợi của đức phật, tượng Phật tổ ngồi trên toà sen và nhiều di vật của đạo Phật và là một công trình kiến trúc độc đáo. Khi xây dựng bảo tháp người ta đã sử dụng các vật liệu được mang từ quê hương của đức phật.

 

Tượng Chúa Kitô Vua

 

Tượng Chúa Kitô trên núi Nhỏ, Vũng Tàu.

Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Nhỏ, được xây năm 1974 là một địa điểm tôn giáo, thuộc Giáo phận Bà rịa do giáo xứ Vũng Tàu quản lý. Công trình bị gián đoạn một thời gian sau đó dươc sự ủy quyền của Đức Giám mục Xuân lộc, linh mục Phê rô Trần Văn Huyên chánh xứ Vũng Tàu cùng với bà con giáo dân khắp mọi nơi đã tham gia tái thiết công trình. Đến năm 1994 công trình hoàn thành và chính thức đón tiếp mọi du khách, đây cũng là một trong những địa điểm được du khách tham quan nhiều nhất. Tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu (Việt Nam) cao 32 m, được coi là tương Chúa cao nhất thế giới trong khi Tượng Chúa Kitô Cứu Thế (Rio de Janeiro) ở Brasil cao 30 m.

 

Bạch Dinh

 

Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây Bạch Dinh (Villa Blanche) trên nền pháo đài Phước Thắng từng khai hỏa bắn vào tàu chiến Pháp gần 40 năm trước. Bạch Dinh là một công trình kiến trúc Roman gồm 3 tầng, cao 19 m với lưng tựa vào Núi Lớn. Tại đây hiện còn lưu giữ 19 khẩu thần công. Ngày nay Bạch Dinh là nơi trưng bày các cổ vật gốm, sứ được trục vớt từ các tàu thuyền cổ của nước ngoài bị đắm ngoài khơi Vũng Tàu, Bạch dinh là địa điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình tham quan thành phố biển Vũng Tàu.

 

Núi Nhỏ, Núi Lớn

 

Núi Nhỏ là một trong hai ngọn núi tại thành phố Vũng Tàu, nằm sát biển. Dưới chân núi là con đường ven biển Hạ Long được công nhận là con đường đẹp nhất Việt Nam với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Trên núi có ngọn Hải đăng Vũng Tàu và Tượng Chúa Kito Vua nổi tiếng.

Núi Lớn là một trong hai ngọn núi đẹp của thành phố biển. Trên núi này có Bạch Dinh và Thích Ca Phật Đài, trên núi có khu du lịch Hồ Mây, có cáp treo đưa khách từ chân núi lên đỉnh núi. Xung quanh núi có con đường ven biển Trần Phú bao quanh dọc theo các bãi biển đẹp. Đang có dự án cáp treo nối hai ngọn núi này với nhau.

Trắc nghiệm
Thông tin
Hoàn tất

Vui lòng cung cấp thông tin chính xác để chúng tôi tiện liên hệ và trao giải thưởng.

Quý khách cần hỗ trợ? Vui lòng gọi: (08) 3989 7562

;